Đại Suy Thoái Mỹ

Đại Suy Thoái Mỹ

Đợt bán tháo cổ phiếu toàn cầu bắt đầu từ thứ 6 tuần trước vào kéo dài sang tuần này bắt nguồn từ nỗi lo về sức khỏe nền kinh tế Mỹ, đặc biệt sau khi Bộ Lao động nước này công bố báo cáo việc làm kém khả quan hơn dự báo.

Đợt bán tháo cổ phiếu toàn cầu bắt đầu từ thứ 6 tuần trước vào kéo dài sang tuần này bắt nguồn từ nỗi lo về sức khỏe nền kinh tế Mỹ, đặc biệt sau khi Bộ Lao động nước này công bố báo cáo việc làm kém khả quan hơn dự báo.

NỀN KINH TẾ CHỮNG LẠI NHƯNG KHÔNG SỤT TỐC

Bất chấp những lo lắng, nhiều nhà kinh tế cho rằng các dữ liệu kinh tế mới nhất không đáng lo như nhiều người nghĩ, bởi vẫn có bằng chứng cho thấy kinh tế Mỹ đang ở gần trạng thái toàn dụng lao động (full employment).

“114.000 chính xác là số lượng việc làm mà Mỹ cần để đáp ứng đủ cho nguồn cung lao động”, ông Ernie Tedeschi, cựu kinh tế trưởng thuộc Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng, hiện là giáo sư Đại học Yale, nhận xét khi đề cập tới số lượng việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 7. “Báo cáo việc làm không hề yếu mà mang tính xu hướng. Một khi ở trạng thái toàn dụng lao động, nền kinh tế sẽ chỉ có thể đi xuống”.

Các nhà hoạch định chính sách tại Fed cũng nhấn mạnh rằng số liệu về thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 7 dù tăng nhưng vẫn ở mức thấp so với mức chuẩn của những năm qua.

Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly ngày 5/8 nói rằng nhiều chi tiết trong dữ liệu việc làm cho thấy “vẫn còn nhiều dư địa để tin tưởng rằng nền kinh tế dù chững lại nhưng không đến mức tăng trưởng sắp rơi vực”.

Còn ông Goolsbee, thành viên FOMC, cho rằng dù số liệu bảng lương phi nông nghiệp yếu hơn dự báo nhưng bức tranh kinh tế “vẫn chưa giống như một cuộc suy thoái”.

Một mối lo ngại khác là tiêu dùng ở Mỹ có thể tăng lên trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tiền tiết kiệm của người dân trong đại dịch đang cạn dần. Tỷ lệ trả nợ quá hạn với các khoản vay mua ô tô và thẻ tín dụng ở Mỹ đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt là ở các hộ gia đình thu nhập thấp. Tuy nhiên, dữ liệu từ Fed chi nhánh New York cho thấy các số liệu này vẫn còn cách xa so với mức ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

“Người tiêu dùng chi tiêu mạnh thì nền kinh tế Mỹ cũng tăng trưởng tốt”, ông Ryan Sweet, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Oxford Economics, phát biểu. “Về tổng thể, tiêu dùng ở Mỹ vẫn đang ở trạng thái tương đối tốt, dù vẫn có những điểm suy yếu, đặc biệt là ở các hộ gia đình thu nhập trung bình và thấp”.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia khác cho rằng vì hầu hết nhóm bị ảnh hưởng là các hộ gia đình thu nhập thấp nhất, nên điều này chưa đủ để khiến cả nền kinh tế đi chệch hướng.

“Liệu nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất này có chi tiêu ở mức đủ lớn để có thể kéo tụt cả nền kinh tế không? Câu trả lời là không”, nhà kinh tế trưởng toàn cầu Philipp Carlsson-Szlezak của BCG, nói.

Theo các nhà phân tích, việc các công ty bán lẻ lớn như Walmart và Target tiếp tục hạ giá hàng hóa có thể sẽ thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

“Người tiêu dùng Mỹ vẫn có thêm sức mua, kể cả khi thẻ tín dụng của họ đang hoặc gần hết hạn mức”, nhà kinh tế Paul Christopher tại ngân hàng Wells Fargo, nhận định.

Theo trang Al Jazeera, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng từ 4,1% hồi tháng 6 lên mức 4,3% vào tháng 7, mức cao nhất trong gần 3 năm trở lại đây. Mức tăng này đã nhảy vọt từ 3,4% vào tháng 4 năm ngoái - mức thấp nhất trong năm thập kỷ - tạo tiền đề cho việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào tháng 9.

Ông Gary Clyde Hufbauer, thành viên cấp cao không thường trực tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định: “Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt có thể dẫn tới suy thoái vào năm 2025. Tôi dự đoán Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất chính sách vào tháng 9 và tiếp tục cắt giảm trong các cuộc họp tiếp theo. Phản ứng đó có thể sẽ đảm bảo một cuộc suy thoái nhẹ”.

Thị trường chứng khoán cũng đã phản ứng trước nỗi lo suy thoái. Chỉ số Dow Jones trung bình giảm hơn 700 điểm - gần 2% - trong phiên giao dịch chiều ngày 2/8 và chỉ số S&P 500 nói chung giảm 2%. Các ngân hàng phố Wall đã kêu gọi cắt giảm lãi suất nhiều lần hơn và cao hơn so với dự kiến ​​.

Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs và Citigroup, cùng những chuyên gia khác, đã điều chỉnh dự báo rằng Fed sẽ cắt giảm nửa điểm lãi suất vào tháng 9, tháng 11 và 1/4 điểm lãi suất vào tháng 12.

Tất cả những dự báo này được đưa ra sau khi Mỹ công bố một loạt liệu dữ liệu yếu kém - bao gồm sự chậm lại trong sản xuất và tâm lý việc làm tiêu cực, chỉ ra xu hướng suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đồng ý với kịch bản này.

Ông Nancy Vanden Houten, nhà kinh tế học hàng đầu tại Oxford Economics, cho rằng ông không nhận thấy dấu hiệu suy thoái mặc dù thị trường chứng khoán hiện nay đang hoạt động như thể nó dự đoán một cuộc suy thoái

“Thị trường việc làm chắc chắn yếu hơn so với dự kiến ​​của hầu hết các nhà kinh tế. Chúng tôi không phủ nhận các dấu hiệu thị trường lao động yếu hơn, nhưng có những điều đang diễn ra bên trong đó cần được tính đến khi xem xét dữ liệu đã được đưa ra”, ông Houten bình luận.

Ông Houten lập luận rằng thứ nhất, có nhiều người tìm việc hơn. Khoảng 420.000 người đã gia nhập lực lượng lao động vào tháng 7. Đó là những người nhập cư và là một điều tốt.

Ngoài ra, trong khảo sát việc làm, có sự gia tăng lớn về số lượng người đang tạm nghỉ việc hoặc nghỉ việc vì thời tiết xấu. Khảo sát này cho thấy thị trường lao động đang chậm lại do siêu bão Beryl hồi tháng trước.

Ông Matt Colyar, trợ lý Giám đốc tại Moody's Analytics cho biết: “Số lượng người không làm việc vào tháng 7 vì thời tiết xấu cao hơn bất kỳ tháng nào không phải mùa đông kể từ tháng 9/2017, khi ảnh hưởng của các cơn bão Harvey, Irma và Maria tàn phá vùng Đông Nam nước Mỹ”.

Theo ông Colyar, đây chỉ là bằng chứng cho thấy những gì mà Fed muốn thực hiện - làm chậm nền kinh tế, làm chậm thị trường việc làm để mọi người không tiếp tục chuyển việc và tăng lương 8-10%. Đây là thực trạng đang diễn ra. Điều này không báo hiệu suy thoái.

Hơn nữa, ông Houten giải thích cuộc suy thoái gần đây nhất trước đại dịch có những chất xúc tác khác, bao gồm nợ hộ gia đình rất cao và mất khả năng thanh toán thế chấp, những tình huống hiện không tồn tại.

Hiện tại, cả chuyên gia Houten và Colyar đều đang bám sát các dự đoán trước đó về việc Fed cắt giảm lãi suất: cắt giảm 0,25 điểm vào tháng 9 và một lần vào tháng 12.

“Tôi cần nhiều hơn một báo cáo việc làm tồi tệ để có thể khẳng định một cuộc suy thoái sắp xảy ra ”, ông Colyar cho biết.

Hiện tại, mọi con mắt đang đổ dồn vào báo cáo việc làm của tháng tới để có bức tranh rõ ràng hơn về thị trường việc làm và nền kinh tế Mỹ. Đến lúc đó, các nhà kinh tế như ông Colyar sẽ theo dõi các yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần để nắm bắt tình hình thực tế.

Dữ liệu mới nhất sẽ tác động mạnh mẽ đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump hôm 2/8 cho biết báo cáo việc làm là “bằng chứng bổ sung cho thấy nền kinh tế Biden - Harris đang làm người dân Mỹ thất vọng”, hãng thông tấn AP đưa tin.

Chuyên gia Houten nhận định bất kỳ sự suy yếu nào trong nền kinh tế cũng sẽ bất lợi cho đương kim tổng thống Joe Biden. Mặc dù ông Biden đã rút khỏi cuộc đua tranh cử, Phó Tổng thống Kamala Harris vẫn là một phần của Nhóm Biden và điều này có thể tác động tiêu cực đến bà.

Hôm 31/8, Fed đánh giá nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ vững chắc, trong khi tăng trưởng việc làm đã chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Fed cũng chuyển từ việc chỉ tập trung chú ý đến "rủi ro lạm phát" sang chú ý "rủi ro đối với nhiệm vụ kép của mình", trong đó duy trì việc làm  phù hợp với giá cả ổn định.