Nhằm rèn luyện tri thức và đạo đức cho học sinh, giáo dục và tạo nền nhân cách đúng đắn cho cuộc sống tương lai khi các em vào đời, bên cạnh việc “rèn chữ”, nhà trường luôn định hướng giáo dục học sinh biết trân trọng những giá trị tinh thần cao quý thông qua các hoạt động “Về nguồn”; hoạt động định hướng nghề nghiệp - tham quan trường Đại học RMIT, Hoa Sen, Hồng Bàng, hoạt động dã ngoại ở Đà Lạt, Phan Thiết, thăm và giúp đỡ các học sinh nghèo vùng biên giới, các đợt cứu trợ xã hội, giúp đỡ trẻ khuyết tật ở nhà Trung tâm Thị Nghè và Thiên Phước, Mái ấm Hoa Hồng, xây nhà tình thương… Một trong những hoạt động mang tính nhân văn, tạo ấn tượng sâu đậm đối với phụ huynh và học sinh là Lễ Trưởng thành và Tri ân hằng năm dành cho học sinh khối 12, đọng lại trong các em học sinh những bài học nhân sinh sâu sắc.
Nhằm rèn luyện tri thức và đạo đức cho học sinh, giáo dục và tạo nền nhân cách đúng đắn cho cuộc sống tương lai khi các em vào đời, bên cạnh việc “rèn chữ”, nhà trường luôn định hướng giáo dục học sinh biết trân trọng những giá trị tinh thần cao quý thông qua các hoạt động “Về nguồn”; hoạt động định hướng nghề nghiệp - tham quan trường Đại học RMIT, Hoa Sen, Hồng Bàng, hoạt động dã ngoại ở Đà Lạt, Phan Thiết, thăm và giúp đỡ các học sinh nghèo vùng biên giới, các đợt cứu trợ xã hội, giúp đỡ trẻ khuyết tật ở nhà Trung tâm Thị Nghè và Thiên Phước, Mái ấm Hoa Hồng, xây nhà tình thương… Một trong những hoạt động mang tính nhân văn, tạo ấn tượng sâu đậm đối với phụ huynh và học sinh là Lễ Trưởng thành và Tri ân hằng năm dành cho học sinh khối 12, đọng lại trong các em học sinh những bài học nhân sinh sâu sắc.
Cựu học sinh Petrus Ký (1956-63)
Tôi học ở trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký suốt 7 niên khoá: 1956 – 1963. Riêng môn Toán, tôi đã được các giáo sư sau đây giảng dạy: 1. Lớp Đệ Thất (lớp 6, 1956 – 1957): Cô Nguyễn Thị Trang; 2. Lớp Đệ Lục (lớp 7, 1957 – 1958) Thầy Phạm Hoài Nam; 3. Lớp Đệ Ngũ (lớp 8, 1958 – 1959): Thầy Đặng Quốc Khánh; 4. Lớp Đệ Tứ (lớp 9, 1959 – 1960): Thầy Nguyễn Thạch; 5. Lớp Đệ Tam ban Toán (lớp 10, 1960 – 1961): Thầy Nguyễn Thanh Lương; 6. Lớp Đệ Nhị ban Toán (lớp 11, 1961 – 1962): Thầy Nguyễn Hữu Kế; 7. Lớp Đệ Nhất ban Toán (lớp 12, 1962 – 1963): Thầy Nguyễn Thông Minh.
Thầy Trần Thành Minh không có dạy tôi ở nhà trường, nhưng sau ngày ra trường, tôi cũng đã đi dạy học nên thường xuyên liên lạc và học hỏi những kinh nghiệm trong nghề dạy học từ Thầy Minh, nhiều lúc tâm sự và học về cách sống ở đời.
Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày : I. Tiểu sử Thầy Trần Thành Minh. II. Các sách giáo khoa Toán của Thầy Trần Thành Minh. III. Bạn cũ, Thầy xưa và học trò của Thầy Trần Thành Minh. IV. Kết luận.
I.- Tiểu sử Thầy Trần Thành Minh:
GS Trần Thành Minh sanh ngày 10 tháng 11 năm 1937 tại Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang vào lúc bấy giờ.
-1950 -1953:Thầy Minh theo học trường Collège de Chaudoc, ở tỉnh Châu Đốc, miền Nam Việt Nam. Đến năm 1953 – 1954 Thầy lên Saigon theo học lớp 4e année ( lớp Đệ Tứ/ lớp 9) tại trường Trung học Tư thục Kiến Thiết, ở vùng Chợ Đủi, gần chợ Vườn chuối và ngã tư đường Phan Đình Phùng cũ và đường Lê Văn Duyệt cũ.
-Tháng 5 năm 1954 Thầy Minh thi đậu bằng BEPC (Brevet Elementaire du Premier Cycle, tức bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp chương trình Pháp) cùng một lượt với hai người bạn học là Lâm Lý Hùng và Quách Thanh Liêm, và Thầy cũng đậu bằng Diplôma ( bằng Thành Chung). Lâm Lý Hùng vào học lớp Seconde ở trường Lyceé Chasseloup Laubat (sau này đổi tên là trường Trung Học Lê Quí Đôn), Quách Thanh Liêm được cha mẹ cho đi du học tự túc ở nước Pháp, còn Thầy Minh thì nộp đơn xin thi tuyển vào lớp Seconde Moderne ở trường Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký, Thầy Minh đã trúng tuyển.
GS TS Lâm Lý Hùng sau này học rất giỏi, chỉ 3 năm thì đậu cử nhân Toán với các chứng chỉ đều đậu thủ khoa hạng Bình (mention Bien) tại trường Đại Học Khoa Học Saigon. Lúc đó không có Giáo Sư nào làm patron Tiến Sĩ cho Ông, nên Ông xin dạy các chứng chỉ Toán trong ban Vật lý (MMP & TMP) ở trường Đại Học Khoa Học Saigon. Ông xin được học bổng đi học Tiến sĩ Toán ở Pháp, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn chỉ hai năm Ông phải trở về Việt Nam. Ông là người vượt biển đầu tiên đi qua nước Úc vào khoảng tháng 3 năm 1975. Lúc ấy có nhiều nhựt báo ở Saigon đã viết rằng GS TS Lâm Lý Hùng đã tự lái tàu buồm đi đến nước Úc. Sau đó Ông sang Mỹ học tiếp và đậu Tiến sĩ Toán ở Đại Học Mỹ.
-Niên khoá 1954 – 1955: Thầy Minh theo học lớp Seconde Moderne ở trường Petrus Ký. -Hè 1955: trong khi học lớp Seconde Moderne, Thầy Minh còn học thêm bài vở để chuẩn bị thi “La première partie du baccalauréat”/Bac première partie/Bac I ( bằng Tú Tài Phần Thứ Nhất chương trình Pháp). Thầy rất thông minh và học giỏi nên đã đậu cao tuy là học nhảy lớp. Nhờ đó Ông Hiệu trưởng đã chấp nhận cho Thầy vào học lớp Mathelem (lớp 12 ban Khoa học Toán) niên học 1955 – 1956.
(Nguồn: 2 hình của Thầy Minh còn giữ lại để kỷ niệm : Lớp Mathelem 1955 – 1956 ở trường Petrus Ký đăng trong tự truyện : Cái thưở học trường Petrus Ký của Trần Thành Minh)
Hồi ấy trường Trung học Gia Long chưa có lớp Terminale (lớp 12) nên có 4 chị từ trường Gia Long chuyển sang học cùng lớp với Thầy Minh như các chị: Hồng, Hoài, Tiếng, Thu Vân.
Niên học đó (1956 – 1957) ở lớp Philo (lớp 12 ban Triết) có Nguyễn Thanh Liêm ( sau này cũng về dạy ở trường Petrus Ký, có lúc làm Hiệu Trưởng trường Petrus Ký, có lúc làm Thứ Trưởng Bộ Văn Hoá Giáo Dục & Thanh Niên VNCH ở Saigon). Hồ Văn Trai ( sau này là Giáo Sư môn Triết, rồi làm Hiệu Trưởng trường Trung Học , rồi làm Thanh Tra Bộ Giáo Dục VNCH v..v..). Cùng lớp với Thầy Minh có các ông như Lê văn Đặng, Võ Kỉnh Đức, Nguyễn Văn Đoàn, Phạm Thanh Vân v..v.. Thầy Minh và một số bạn cùng lớp như Lê Văn Đặng cùng đến nhà Võ Kỉnh Đức ở gần trường Tiểu học Bàn Cờ để học nhóm, để ôn thi và giải các bài tập trong cuốn Annales và Journal de Mathematiques Elementaires, và tham khảo các sách toán khác của Deltheil và Lebosse –Hemery. Nhớ lại hồi học lớp Đệ Tứ (1959-1960),tôi cũng có học nhóm ở nhà bạn Nguyễn Khắc Phụng ở Đồng Ông Cộ, thuộc tỉnh Gia Định, cùng với các bạn Bùi Minh Đường, Phan Thành Công, Hà Ngọc Đường. Còn ở lớp Đệ Nhị (1961-1962) thì học nhóm ở nhà bạn Nguyễn Văn Mùi, ở chợ Vườn Chuối, với Phan Bửu Giá, Nhiều và các bạn khác tôi không còn nhớ tên.
Vào năm 1950, trước cổng trường Petrus Ký, Ông Hiệu Trưởng Phạm Văn Còn (1894 – 1982) đã cho khắc hai câu đối bằng chữ Hán của Thầy Ưng Thiều (thân phụ của Ni Sư trưởng Thích Trí Hải, Sư cô còn có bút danh là Phùng Khánh):
“Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt,
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chế độ mới XHCN đã đục bỏ hai câu đối này.
-Mùa Hè 1956 Thầy Minh thi đậu “ La seconde partie du baccalauréat”/baccalauréat deuxième partie/BAC II ( bằng Tú Tài phần thứ Hai chương trình Pháp). Sau đó Thầy nộp đơn xin thi tuyển vào trường Cao Đẳng Sư Phạm Saigon ban Toán.
-1956 – 1957: Thầy Minh thi đậu và vào học trường Cao Đẳng Sư Phạm Saigon. Lúc đó ở Saigon chưa có trường Đại Học Sư Phạm. Mùa Hè 1957, Thầy Minh đậu tốt nghiệp với hạng cao nên được về dạy tại trường Petrus Ký. Chắc chắn đó là điều hảnh diện và vui sướng của Thầy Minh : trở về trường cũ, gặp lại thầy xưa. Năm đầu tiên, 1958 – 1959, Thầy dạy Toán lớp Đệ tam (lớp 10).
-Trong lúc dạy học, Thầy tiếp tục ghi tên theo học các chứng chỉ Toán ở trường Đại Học Khoa Học Saigon để hoàn tất Cử Nhân Giáo Khoa Toán Học.
– Năm 1966 – 1967: Phụ Tá Giám Học trường Petrus Ký với Giám Học Cam Duy Lễ và Hiệu Trưởng Trần Văn Thử. Cuối năm học này Thầy Minh và GS Lễ xin từ chức và trở lại dạy Toán ở trường Petrus Ký.
– 1973 – 1975: Giám Học trường Petrus Ký. Thầy đã cùng với ông Hiệu Trưởng Nguyễn Minh Đức thực hiện cuốn kỷ yếu đầu tiên của trường Petrus Ký cho niên khoá 1972 – 1973.
– Sau 30 tháng 4 năm 1975, Thầy trở lại dạy Toán ở trường Lê Hồng Phong ( tên mới của trường Petrus Ký).
– 1981 đến ngày về hưu , 1998: Hiệu phó phụ trách chuyên môn tại trường Lê Hồng Phong. Từ năm học 1981-1982 Thầy xin Sở Giáo Dục cho lập lớp chuyên Toán lớp 10 tại trường Lê Hồng Phong, thầy Cam Duy Lễ làm chủ nhiệm lớp này.
-Đến năm 1998 thầy nghỉ hưu, và làm Phó Hiệu Trưởng trường Trung Học Dân Lập Petrus Trương Vĩnh Ký ở ngã tư Bảy Hiền, Saigon.
-1957 – cho đến ngày về hưu, 1998: Thầy Minh liên tục dạy môn Toán. Sau 30 tháng 4 năm 1975, trường Petrus Ký bị đổi tên là trường Trung Học Phổ Thông Lê Hồng Phong, và năm 1990 được cải đổi là trường Trung Học Phổ Thông Chuyên Lê Hồng Phong.
Thầy Trần Thành Minh đã gắn bó với trường Petrus Ký tổng cộng là 43 năm:
II.- Thầy Trần Thành Minh – một nhà giáo tận tuỵ
Trong suốt 41 năm làm nghề gõ đầu trẻ, Thầy Minh lúc nào cũng chú tâm vào việc giảng dạy và bỏ nhiều thời giờ soạn các bộ sách giáo khoa có giá trị nhằm giúp học sinh trau dồi môn Toán với những kỹ thuật, phương pháp giải các bài tập toán từ dể đến khó.
-Trước năm 1975, Thầy đã xuất bản các quyển sách giáo khoa toán như sau:
-Nhà xuất bản Trường Thi đã xuất bản: bộ ba Phan Lưu Biên – Lê Văn Đặng – Trần Thành Minh viết 3 cuốn sách : 1. Tân Toán học – Đại số 12B, 2. Giải tích học 12B, 3.Toán giải tích 12B.
-Nhà xuất bản Trí Đăng đã xuất bản: bộ ba Phan Lưu Biên – Lê Văn Đặng – Trần Thành Minh viết 11 cuốn sách: 1. Giải tích – Điểm động học 12B, 2. Hình học & hình học giải tích 12B, 3. Conic & phép biến đổi điểm 12B, 4. Phép giải toán & trắc nghiệm giải tích – điểm động 12B, 5. Bài tập hình học – giải tích 12B, 6. Đại số học 12A, 7. Phương pháp giải toán hình học 11AB, 8. Phương pháp giải toán Đại số 11AB, 9. Điểm động học 12A, 10. Xác Xuất thống kê 12A, 11. Câu hỏi giáo khoa Tân Toán học 12B.
– Sau năm 1975, GS Lê Văn Đặng định cư tại Seattle, Mỹ nên năm 1992 Thầy Minh lập bộ ba mới là Phan Lư Biên – Võ Anh Dũng – Trần Thành Minh viết 7 cuốn sách giải toán (vì Bộ Giáo Dục XHCN không cho giáo chức viết sách giáo khoa) cho nhà xuất bản Sở Giáo Dục ở Saigon xuất bản: 1. Phương pháp giải toán giải tích-12, 2. Phương pháp giải toán Đại số & Giải tích 11, 3. Phương pháp giải toán hình học không gian 11, 4. Phương pháp giải toán Lượng giác 10, 5. Phương pháp giải toán Đại số 10, 6. Phương pháp giải toán Hình học 10, 7. Phương pháp giải toán Hình học giải tích 12.
Năm 1990 khi trường LHP trở thành trường Trung Học Phổ Thông Chuyên Lê Hồng Phong,Thầy Trần Thành Minh đã làm chủ biên bộ sách Toán Chuyên Cấp 3 cùng với sự cộng tác với nhiều Giáo Viên trường THPT Chuyên LHP dành cho học sinh giỏi do nhà xuất bản Giáo Dục xuất bản. Bộ sách này rất có giá trị và rất nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay chẳng khác nào bộ sách toán của Lebosse và Hemery khi tôi còn học ở các lớp trung học đệ nhị cấp. Bộ sách này gồm có 10 cuốn từ lớp 10, 11 đến 12:
1.Giải toán đại số 10 2. Giải toán hình học 10 3. Giải toán lượng giác 10 4. Giải toán đại số và giải tích 11 5. Giải toán hình học 11 6. Giải toán khảo sát hàm số 12 7. Giải toán hình học 12 8. Giải toán tích phân và giải tích tổ hơp 12 9. Giải toán lượng giác ôn thi đại học 10. Giải toán đại số sơ cấp
Hồi năm 2000, GS Nguyễn Thuận Nhờ gởi tặng tôi quyển “Giải Toán Tích Phân- Giải Tích Tổng Hợp- 12 Chuyên”, tái bản lần thứ 6, do Thầy TT Minh làm chủ biên, biên soạn bởi Nguyễn Thuận Nhờ và Nguyễn Anh Trường:
Nguyễn Thuận Nhờ là bạn học cùng lớp Đệ Nhất B7 (Ban Khoa Học Toán) với tôi ở trường Petrus Ký niên khoá 1962 – 1963. Mùa Hè năm 1963, bạn Nhờ đậu vào Đại học Sư Phạm Saigon, ban Toán, học bốn niên khoá 1963 – 1967. Quyển sách của bạn Nhờ làm tôi nhớ lại các bạn cùng học lớp Đệ Nhất B7, cả một khung trời kỷ niệm của thời niên thiếu, bây giờ thời gian trôi qua đã trên 50 năm. Tôi xin ghi lại vài bạn học như Trần Đình Cát, có lúc cũng dạy ở trường Petrus Ký, bản tánh rất vui vẻ nên học trò của bạn rất yêu mến bạn; tôi còn nhớ lớp tôi đã đặt cho Cát cái tên đặc biệt là “Nghĩ mãi không ra”, nguyên do là vào đầu niên học Thầy Nguyễn Thông Minh, GS Toán, đã cho một bài tập toán thật hóc búa nên không có đứa nào giải được, giữa lúc cả lớp yên lặng để tìm cách giải thì Cát buộc miệng nói: “Nghĩ mãi không ra” với giọng miền Bắc 1954 làm cho cả lớp cười rộ lên, nhờ vậy mà Thầy Nguyễn Thông Minh đã giảng và giải bài toán khó này. Bạn Nguyễn văn Khuông sau này học Quân Y, đã là một Bác Sĩ Quân Y, nghe nói bạn rất thành công trong việc sản xuất mỹ phẩm ở Việt Nam hiện nay, chắc đã là một đại gia rồi. Bạn Nguyễn Thành Thân, là anh của bạn Nguyễn Thành Danh học chung lớp Đệ Thất (1956- 57)với tôi, thì học Luật rồi Cao Học Hành Chánh, bạn đã thành công trên đường công danh. Bạn Nguyễn Văn Giàu, anh của Nguyễn Thuận Nhờ, cũng đã đi dạy học. Bạn Bùi Minh Đường đã thi đậu vào Đại Học Sư Phạm Saigon, ban Anh Văn khoá 1963 – 67, nhưng bạn đã bỏ học vì được học bổng Colombo đi du học ở Úc, nghe nói bạn có một cuộc tình rất lảng mạn với con gái của vị Đại Sứ VNCH ở Úc vào bấy giờ là Dược Sĩ Trần Văn Lắm, ông Lắm cũng là cựu học sinh Petrus Ký. Bạn Nguyễn Huệ thì vào học trường Kỹ Thuật Phú Thọ, ra trường làm đài truyền hình ở Saigon khi đài này vừa mới thành lập, rồi chuyển xuống đài truyền hình Cần Thơ. Bạn Trần Thành Bảo thì vô học Đại Học Kỷ Thuật Phú Thọ, đã là Kỷ Sư Công Chánh, và còn rất nhiều các bạn khác nữa…
-Sau khi nghỉ hưu Thầy Minh lập một bộ ba mới: Phan Lưu Biên – Trần Thành Minh – Trần Quang Nghĩa cùng biên soạn các cuốn sách luyện thi Đại học bằng các câu hỏi trắc nghiệm với nhiều chọn lựa cho nhà xuất bản Giáo Dục như sau:
– Tập I (64-72), Tập II (72-82), Tập III (83- 96)
III.- Bạn cũ, Thầy xưa và học trò của Thầy Trần Thành Minh
Trong tự truyện : “Cái thuở học trường Petrus Ký”, Thầy Trần Thành Minh đã ghi lại nhiều kỷ niệm với các bạn học, các thầy xưa và rất nhiều học trò của Thầy:
1.- Các vị Thầy của Trần Thành Minh như:
–Trần Kiệt dạy Toán ở lớp Seconde Moderne , đã chọn quyển sách Lebosse và hemery làm sách giáo khoa cho lớp.
–Trương Hữu Tước dạy Vật lý và Hoá học.
–Trần Cảnh Hảo dạy Quốc văn, sau này thầy Hảo dạy Hán văn.
–Lê Ngọc Toản dạy Sử Địa, Thầy Toản đọc bài chép mỏi tay luôn.
– Cô Giáo Sư người Pháp tên là Ginette Laborne dạy Anh văn, cô này rất trẻ và rất đẹp, cô thường mặc áo đầm váy ngắn để lộ cặp chân dài trông rất hấp dẩn. Thầy Minh kể lại rằng Thầy và các bạn trong giờ học làm bộ rớt thước kẻ để khum xuống lượm cây thước và có dịp ngắm cặp đùi trắng nỏn nà của cô giáo đầm này. Quả thật học trò thì vẫn là học trò: “Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”, cả lớp không chú tâm đến lời giảng của cô giáo mà chỉ lo ngắm đùi của cô giáo đầm này mà thôi.
Khi lên lớp Mathelem (lớp 12 ban Toán) thì có các vị Thầy như:
– Cô Trần Ngọc Tiếng dạy Vạn vật.
–Nguyễn Bá Cường dạy Triết, nửa niên học đầu, qua nửa niên học sau thì có Giáo sư người Pháp Quillet thay thế dạy Triết.
–Trần Văn Quế dạy Quốc văn, Thầy Quế là một chức sắc cao cấp của đạo Cao Đài.
2.-Thầy Minh cũng có nhiều kỷ niệm với các bạn học, như:
– Ở lớp Seconde thì có :- Nguyễn Văn Đoàn, sau đi du học ở Pháp, học ở trường Polytechnique tại Paris. – Bùi văn Chi, học ĐHSP ban Toán. – Lưu Hồng Thái, Mai Văn Sít sau này cũng đi dạy học v…v.
– Ở lớp Mathelem : – có 4 cô bạn gái cùng học một lớp như: Hồng, sau này là Kỷ Sư Công Chánh; Hoài, Tiếng và Thu học ĐHSP rồi về dạy ở trường Gia Long. – có các bạn trai như: Lê Văn Đặng, Cam Duy Lể vô học ĐHSP rồi về dạy ở Petrus Ký. Nguyễn Bửu Trung học Đại Học Y khoa , đã là Bác Sĩ. Thầy Minh nhớ lại những ngày học nhóm để luyện thi Tú Tài II tại nhà Võ Kỉnh Đức ở chợ Vườn Chuối với Lê Văn Đặng v…v..
3.- Kỷ niệm với học trò Petrus Ký: Thầy Minh đã có nhiều kỷ niệm với các học sinh của mình ở trường Petrus Ký. Cá nhân tôi tuy không có học trực tiếp với Thầy Minh ở trường Petrus Ký, nhưng tôi đã học hỏi từ Thầy rất nhiều. Sau khi tôi rời khỏi trường Petrus Ký, tôi vẫn thường xuyên gặp Thầy để hỏi các kinh nghiệm sống và các cách ăn ở đời. Một kỷ niệm làm tôi khó quên được: hồi năm 1973, lúc ấy Thầy làm Giám Học trường Petrus Ký, anh Nguyễn Minh Đức làm Hiệu Trưởng ( anh Đức là vị Hiệu Trưởng cuối cùng của trường Petrus Ký, anh đã qua đời tại California, Mỹ), Thầy đã kêu tôi dạy mấy giờ Triết học lớp 12 cho đến tháng tư năm 1975. Tôi rất sung sướng được dạy mỗi tuần mấy giờ ở ngôi trường Petrus Ký, nhất là có lúc dạy tại phòng học mà trước đây tôi đã từng ngồi học tại đó.
Đối với Thầy Trần Thành Minh, trường Petrus Ký là một khung trời đầy kỷ niệm: những kỷ niệm khi còn đi học, và suốt một đời dạy học tại mái trường này. Ngay từ thuở nhỏ, Thầy Minh đã thích đoạn văn trích từ quyển “Tâm Hồn Cao Thượng”, bản dịch ra chữ Quốc Ngữ của Hà Mai Anh, bản dịch tiếng Pháp là “Les Grands Coeurs” từ nguyên tác tiếng Ý, tác giả quyển này là Edmondo De Amicis (Ý, 1946 – 1908):
“cuốn sách mà tôi say mê đọc từ nhỏ ,đã cho tôi nhiều bài học về tình bạn,tình thương người,lòng kính yêu cha mẹ và thầy cô :
” Enrico con ơi! Thế là năm học hết rồi! con phải từ giã thầy con,bạn con… Mẹ chắc con quyến luyến trường cũ, ở đây ròng rã bốn năm con đã vui vẻ làm việc mỗi ngày hai buổi,ở đây ngày nào con cũng trông thấy thầy ấy,bạn ấy,cũng trông thấy cha mẹ con đứng chỗ ấy đón con,con sẽ nhớ trường cũ,ở đấy trí tuệ con đã được mở mang,ở đấy con đã kết giao được nhiều bạn tốt và ở đấy mỗi một lời nói là một điều ích lợi cho con. Hãy đem cái kỷ niệm ấy đi với con và để lời từ biệt chúng bạn với một mối nhiệt tình phát tự đáy lòng…”
”Các bạn thân của tôi,các em học sinh thân yêu của tôi,chúng ta là những người xuất thân từ mái trường thân yêu “Trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký”,chúng ta đều giữ lại cho mình biết bao kỷ niệm sâu sắc về Thầy Cô,về bạn bè,về mái trường xưa.Sau những năm tháng vất vả trong công việc,một ngày nào đó chúng ta quay về trường xưa để thư giản tinh thần cùng với kỷ niệm.”
(Trích từ bài viết “Cái thuở học trường Petrus Ký” của Trần Thành Minh.) Một cựu học sinh Petrus Ký lớp 12 B4 niên khoá 1971 – 72 đã viết: “Còn nhớ những buổi học cuối cùng dưới mái trường Petrus Ký thân yêu, với thầy Trần Thành Minh (toán), “các em phải làm hết những bài tập trong năm cuốn sách toán mới có thể đậu năm nay.” Thầy Nguyễn Sỹ Thân (lý hoá) còn xanh dờn hơn, “thằng nào đậu thứ là rớt, không xứng đáng là học sinh Petrus Ký”.
(Trích từ bài viết “Nhớ về trường cũ” , không ghi tác giả, nguồn: Giao Chỉ website)
Học sinh 12B4 (1971-1972) với thầy Trần Thành Minh (Nguồn: Giao Chỉ Website)
Thầy Trần Thành Minh là gạch nối giữa nhiều thế hệ cựu học sinh Petrus Ký. Thầy đã gắn bó với trường Petrus Ký tất cả là 43 năm: từ lúc là học sinh đến khi là Giáo Sư Toán dưới thời VNCH, rồi Giáo Viên Cấp 3 môn Toán dưới thời XHCN. Thầy Minh như cây cổ thụ có tàng che bóng mát cho nhiều thế hệ học sinh Petrus Ký và Giáo Sư Petrus Ký.Thầy đã làm Trưởng Ban liên lạc các cựu học sinh và cựu Giáo Sư Petrus Ký và LHP ở trong nước và ở hải ngoại như: Pháp, Đức, Úc, Mỹ, Canada. Thầy được các cựu học sinh Petrus Ký mua vé máy bay để mời Thầy đến dự Đại Hội Petrus Ký Châu Âu được tổ chức ở Đức năm 1998. Rồi lần khác đến dự Đại Hội Petrus Ký ở Úc Châu năm 2013. Đi tới đâu ai ai cũng quý mến và kính trọng Thầy. Thầy còn khuyến khích cựu học sinh Petrus Ký tham gia quỹ “Tri Ân Thầy Cô” để giúp đở các Thầy Cô là cựu Giáo Sư trường Petrus Ký và LHP đã về hưu và đang gặp khó khăn:
Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy.”
Thầy Trần Thành Minh phát biểu với các bạn tham gia đóng góp quỹ “Tri Ân Thầy Cô”trong tiệc trà thân mật vào ngày 14 tháng 11 năm 2004: mỗi người một chút, chúng ta đã sát cánh bên nhau hoàn thành tâm nguyện thể hiện lòng biết ơn Thầy Cô đã từng dạy dỗ mình”. (Nguồn: Nhóm cựu học sinh Petrus Ký – Lê Hồng Phong khóa 74-81-http://trian.blogspot.ca/)
Nhân lần Đại Hội Petrus Ký Châu Âu lần thứ 20, năm 2014, tại thành phố Ronneburg, nước Đức, Thầy Trần Thành Minh không thể đến dự được nên đã gởi thư chào mừng Đại Hội từ Saigon vào ngày 4 tháng 7 năm 2014. Đọc bức thư này, chúng ta thấy được tâm sự của Thầy Minh: một tình bạn thấm thiết cùng những kỷ niệm êm đềm với họ, và chúng ta cũng thấy lòng thương mến của học trò đối với Thầy.Tôi xin chép lại nguyên văn bức thư này :
“Thư chào mừng Đại Hội Petrus Ký Châu Âu lần thứ 20 và chúc mừng thượng thọ bốn Thầy Cô Petrus Ký của Thầy Trần Thành Minh:
Thân mến gởi các bạn đồng nghiệp cựu giáo sư trung học Petrus Trương Vĩnh Ký , các anh chị em đồng môn Petrus Ký và gia đình, cùng các thân hữu ở Âu Châu,
Trước hết tôi xin phép gởi đến các bạn đồng nghiệp cùng tất cả anh chị em và gia đình Petrus Ký lời thăm hỏi nồng nhiệt và chúc sức khỏe .Tôi cũng xin nhiệt liệt chào mừng Đại hội Petrus Ký Âu-Châu kỳ 20 và chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Cho tôi gởi lời chúc mừng thượng thọ 80 tuổi trở lên của quí đồng nghiệp Hồ Văn Thái (81 tuổi),Phạm Xuân Ái (80 tuổi),Cô Phạm Thị Thiên Hương (80 tuổi) và Cô Nguyễn Thị Thu Hà (80 tuổi).Chúc các bạn đồng nghiệp sống khỏe mạnh đến 100 tuổi.
Thấm thoát 20 năm qua ,dưới sự động viên cố vấn của quý cựu giáo sư Petrus Ký tại Châu Âu nhứt là anh Phạm Ngọc Đảnh tuổi già sức yếu nhưng lúc nào cũng nghĩ đến học sinh thân yêu của mình và là linh hồn của Hội Ái Hữu Petrus Ký Châu Âu nhưng anh sớm vĩnh biệt chúng ta về miền cực lạc.Làm sao tôi quên được năm 1998 anh Phạm Ngọc Đảnh tham mưu cho cựu học sinh Petrus Ký góp tài chánh mời tôi qua dự Đại Hội Petrus Ký Châu Âu kỳ 4. Lần đầu tiên đến Châu Âu được Anh Chị Phạm Ngọc Đảnh, Anh Chị Hồ Văn Thái , Anh Chị Trần Kim Quế, Anh Chị Phạm Xuân Ái cùng các em cựu học sinh Petrus Ký thân yêu tiếp đón niềm nở, lo chỗ ăn ngủ chu đáo và hướng dẫn tham quan các lâu đài thắng cảnh của nước Đức và Pháp thể hiện truyền thống tốt đẹp của tình đồng nghiệp và tình Thầy trò của trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký .
Sau đây tôi xin phép Đại hội cho tôi tâm sự vài lời với các bạn đồng nghiệp già bát thập cổ lai hy.Tôi biết anh Hồ Văn Thái khi dạy Pháp Văn tại trường Petrus Ký đã là kiến trúc sư nhà ở góc đường Bùi Thị Xuân và Cống Quỳnh.Khi qua Đức dự Đại hội Petrus Ký lần đầu tiên tôi được anh cùng với học sinh cũ đón tại phi trường Frankfurt và chở tôi về nhà anh, đến nhà mới biết bà xã anh là học sinh cũ của tôi tại trường Thánh Linh của các sơ dòng Mến Thánh Giá sau nhà thờ Chợ Quán. Anh Chị lo cho tôi từng bửa ăn chỗ ngủ và hường dẫn tham quan hai ngày thật chu đáo. Mỗi lần về Việt Nam anh đều báo cho tôi cùng với anh về thăm trường cũ, uống cà phê và tôi đưa anh đến thăm GS Pháp Văn Trương Văn Ngọc, người bạn học cùng khóa với anh, anh ân cần thăm hỏi gia cảnh anh Ngọc và luôn giúp đở người bạn đồng nghiệp đang gặp khó khăn của mình.
Anh Phạm Xuân Ái 80 tuổi.Mặc dầu anh Ái lớn hơn tôi 3 tuổi nhưng chúng tôi vẫn mày tao khi dạy tại Petrus Ký.Làm sao quên được những buổi chiều chúng tôi gồm các anh : Ái,Đảnh,Đính Lễ,Minh,Thọ ngồi uống bia tại quán cóc trên đường Nguyễn Huệ kế bên Ty ngân khố, nói chuyện đời, chuyện dạy học, khi nói đến GS Ái dạy Pháp Văn có tiếng tại Saigon tôi thường ghẹo anh Ái nói tiếng Tây như lúc đi lính cho Pháp. Làm sao quên được buổi chiều mưa Saigon chúng tôi cùng ngồi nghe anh Nguyễn Ngọc Thọ dạy Triết (chồng Cô Phan Ngọc Loan) đàn guitar rất lâm ly tình tứ. Còn đâu những vui buồn của chúng ta trong những ngày chấm thi Tú Tài tại các tỉnh? Mỗi lần tôi qua Pháp anh đều tiếp đón ân cần và thông báo cho các bạn đồng nghiệp và cựu học sinh Petrus Ký để lập chương trình đón tiếp chúng tôi thật chu đáo. Anh là thổ địa ở Paris và là người bạn đầy tình nghĩa của tôi.
Cô Phạm thị Thiên Hương 80 tuổi,chị là giáo sư gắn bó với trường Petrus Ký lâu năm nhất. Năm 1958 khi ra trường Sư Phạm về dạy tại Petrus Ký tôi đã gặp chị dạy Sử Địa tại trường rồi. Các em học sinh Petrus Ký rất lo sợ khi học giờ chị dạy vì chị nghiêm khắc và truy bài nhiều. Tôi còn nhớ các em học sinh đặc biệt dành cho ba cô mà các em sợ nhất là “nhất Khả, nhì Hương, tam Sâm”. Nhưng theo tôi biết khi ra trường các em đều nhớ thương ba Cô này nhất. Rất tiếc qua Châu Âu mấy lần mà không gặp lại Chị.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà 80 tuổi (phu nhân cố GS Phạm Ngọc Đảnh), hai gia đình chúng tôi rất thân nhau khi còn dạy tại Petrus Ký, sau này mỗi lần tôi qua Đức anh chị đều cho cháu Phong đón chúng tôi tại phi trường và đưa về nhà anh chị. Chị chuẩn bị cho chúng tôi chỗ ngủ và lo các bửa ăn rất chu đáo, ngoài ra còn hướng dẫn chúng tôi đi tham quan nhiều nơi.Khi học sinh đưa chúng tôi đi chơi các nơi , mỗi ngày anh chị đều gọi điện thoại hỏi thăm thật là cảm động. Ngay cả khi ở trại Ronnenburg, mỗi ngày chị đều hỏi có quần áo nào cần giặt giũ để chị đem về giặt cho có đủ quần áo mặc. Mỗi lần về Việt Nam chị đều hỏi thăm các bạn đồng nghiệp Petrus Ký và tham dự các buổi họp mặt với học sinh cũ.
Cho tôi hỏi thăm sức khỏe Anh Chị Trần Kim Quế, tôi không thể quên khi qua dự Đại hội lần đầu anh Thái chở tôi đến nhà anh ở ven rừng, và được anh chị đãi chúng tôi một đêm rượu vang đặc sản của vùng này. Mỗi lần dự Đại hội Petrus Ký Châu Âu tôi đều được anh chị tặng quà đem về Việt Nam.
Kính thưa Đại hội sau đây tôi xin ghi lại những việc làm chính của ban liên lạc Petrus Ký – Lê Hồng Phong tại Việt Nam trong năm qua.
Khi GS Phạm Ngọc Đảnh (1936 – 2011) mất tại Úc Châu, chúng tôi có tổ chức Lễ Truy điệu GS Đảnh tại chùa Xá Lợi tại Việt Nam, anh chị em cựu GS & cựu Học Sinh Petrus Ký đến thắp hương và tưởng niệm rất đông. Số tiền anh chị em phúng điếu chúng tôi hỏi ý kiến gia đình GS Đảnh thì Cô Thu Hà đề nghị giao cho ban liên lạc lập quỹ GS Phạm Ngọc Đảnh cứu trợ Thầy Cô Petrus Ký đau ốm & già yếu gặp khó khăn.Từ đó đến nay mỗi tháng chúng tôi đều giúp thường xuyên bốn Thầy Trương Văn Ngọc,Võ Văn Vạn ,Ngô Thanh Nhàn và Nguyễn Viết Sơn mỗi tháng mỗi người 1.000.000 đồng.Bốn Thầy này già và không có con chăm sóc nuôi .Năm 2014 giúp thêm Thầy Nguyễn Văn Thế và Nguyễn Minh Nhựt giáo sư Sử Địa Petrus Ký.Quỹ này thường xuyên được đóng góp bổ sung bởi gia đình Thầy Đảnh, các cựu giáo sư và cựu học sinh Petrus Ký tại hải ngoại. Ban liên lạc giao cho Anh Nguyễn Minh Nghĩa cựu học sinh 65-72 và là phó ban biên lạc giữ quỹ Thầy Đảnh & báo cáo thu chi hàng tháng.Ngoài ra chúng tôi có quỹ tương trợ để thăm viếng Thầy Cô lớn tuổi, bệnh hoạn, trao học bổng cho học sinh nghèo, tổ chức họp mặt Thầy Cô về hưu mỗi năm. Quỹ này do các bạn cựu học sinh Petrus Ký-Lê Hồng Phong góp mỗi năm.
Kính thưa Đại hội, tôi được hân hạnh dự Đại hội Petrus Ký Châu Âu ba lần, các em Petrus Ký Châu Âu tổ chức rất chu đáo trong hai ngày Thầy trò ngồi lại với nhau vui đùa, nhắc lại những chuyện xưa phá Thầy ghẹo bạn, thức trắng đêm bên ly rượu vang nồng của GS Phạm Xuân Ái đem qua từ Paris, ca hát ngẫu hứng thỏa thích như còn là học sinh mặc dầu Thầy Trò đều tóc trắng như vôi.
Chúc các bạn được nhiều sức khỏe để tiếp tục tổ chức Đại hội Petrus Ký sau này và thân ái chào các bạn.
Cựu học sinh,cựu giáo sư trường Trung học Petrus Ký – Lê Hồng Phong “
(Nguồn: Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Âu Châu. Đại Hội Petrus Ký kỳ 20 vào ngày 04 tháng 7 năm 2014 tại thành phố Ronneburg, nước Đức)
Trong 43 năm dạy học, Thầy Minh đã tận tâm giảng dạy môn Toán. Thầy hết lòng truyền đạt các phương pháp giải những bài tập toán từ dễ tới khó nhằm giúp học sinh trung học thành công trong lớp học cũng như trong các kỳ thi tuyển vào đại học. Thầy đã biên soạn, chủ biên và dịch thuật được tổng cộng 31 quyển sách giáo khoa Toán bậc Trung Học rất có giá trị, những bộ sách để đời này đã giúp cho rất nhiều học sinh, và cũng đã giúp cho nhiều giáo chức dạy toán tham khảo để soạn bài giảng dạy.
Thầy Trần Thành Minh đã kể cho tôi nghe rằng: nhân ngày nhà giáo, trong bản tin số 15 ngày 20 tháng 11 năm 2001, một sinh viên Khoa học đã viết bài “ Trò chuyện với những người Thầy” có ghi lại rằng : GS TS Nguyễn Hữu Anh, lúc đó là Trưởng Khoa Toán-Tin Học ở Đại Học Khoa Học Tự Nhiên thuộc Đại Học Quốc Gia ở Saigon, đã nói với sinh viên của mình về thầy Minh như sau: “Năm tôi học ở Petrus Ký, thầy Trần Thành Minh đã để lại ấn tượng rất lớn trong tôi, bởi ngoài sự nhiệt tình giảng dạy, Thầy còn tìm ra phương pháp dạy mới, truyền đạt những khiến thức mới”. [Nguyễn Hữu Anh là cựu Học Sinh Petrus Ký (1956 – 63), bạn Anh đã đậu, và vào học ở trường ĐHSP Saigon, ban Toán khoá 1963-1967, cùng với các bạn Nguyễn Thuận Nhờ, Hồ Văn Thi Sĩ; bạn Anh đã đậu Cử Nhân Toán rồi chứng chỉ Toán học thâm cứu, và được học bổng đi du học ở Mỹ, đã đậu Ph.D về ngành Toán học. Hồ Văn Thi Sĩ cũng đã đậu Cử Nhân Toán rồi Chứng chỉ Toán học thâm cứu, bạn Sĩ đi du học tự túc ở Bỉ, đậu Tiến Sỉ rồi ở lại dạy Đại Học].
Thầy Trần Thành Minh quả là một nhà giáo tận tuỵ.
Toronto, ngày 07 tháng 01 năm 2016
–Ảnh hưởng Phật giáo trong pháp luật triều Lý, Saigon, 1971
–Ý chí về độc lập của dân tộc Việt Nam, Toronto 1985.
–Các Hiệp Hội Tín Dụng tại tỉnh Ontario, Canada. Toronto, 1988.
–Hệ thống tư pháp bảo trợ tại tỉnh Ontario, Canada. Toronto, 1989.
–Tư tưởng Phật giáo trong Văn học thời Lý (sách), California, 1996.
–Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa Lỗi Lạc, Toronto, 1999.
–Về một nhà giáo thời VNCH: GS TS Nguyễn Thanh Liêm, Nhà Văn Hóa Giáo Dục Nhân Bản Việt Nam, trong quyển sách “Kỷ Niệm về GS Nguyễn Thanh Liêm”, California, 2010.
–Đạo Phật như là một Triết học hay như là một Tôn giáo, Toronto, 2014.
–Cuộc đời của Đức Phật Thích-ca. Toronto,2015.-Thầy Tạ Ký – nhà giáo, nhà thơ. Toronto, 2015.
–Tư Tưởng Phật Giáo trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh của Nguyễn Du. Toronto, 2015.
–An analysis of the Liberal-NDP Accord 1985 in Ontario, Canada. Written in 1986.
–A Cross-cultural Glimpse of the Vietnamese People in Canada. Written in 1992.
–vân…vân (Nguồn:http://an-phong-an-binh.blogspot.ca/search/label/trang%20ch%E1%BB%A7 )